Teq's Blog

Về quê

with 2 comments

Hôm nay tôi nghỉ làm, về quê, để chào một người chuẩn bị chết. Một người chuẩn bị chết thì không phải là chuyện có gì vui, song nhiều khi lại không hẳn là chuyện buồn, hay nói cách khác là những gì đáng buồn đã ở trong quá khứ rồi.

***

Cái việc buồn nhất, chẳng phải là cái chết sắp tới của ông, mà là cái chết của bà một năm trước.

Một năm trước, cũng tầm Tết này, ông trở nên yếu nặng, rất nặng, sau bốn năm năm bệnh tật đau yếu. Ai cũng nghĩ rằng ông không qua khỏi được cái Tết năm ngoái. Vậy mà người đột ngột ra đi, lại là bà, người đang rất khỏe mạnh và đang chăm sóc ông đau yếu. Một ngày, người ốm yếu là ông buổi sáng vẫn dặt dẹo ngồi dậy, người không dậy lại là bà, thật bất ngờ như vậy.

Đám tang bà năm ngoái, khi tôi về dự đám tang, thì hình ảnh buồn nhất và đẹp nhất là hình ảnh ông ngồi bên bậc cửa, lặng lẽ tiếp những người bạn già tới viếng tang. Hình ảnh đó rất đẹp, thậm chí tôi còn định rút điện thoại ra chụp, nhưng cảm thấy thế là bất kính, nên chỉ ngồi yên ngắm ông. Ông đau yếu nhiều năm và gần đây thường không được tỉnh táo lắm, tai lại điếc. Thế nhưng lúc đó ông ngồi bên cửa, lặng lẽ và trang nghiêm, mặt như tượng đá, điềm tĩnh trong nỗi mất mát. Tôi nhìn thấy rõ nỗi mất mát ấy đang sắc bén cứa như thế nào.

Không phải tôi tưởng tượng ra thế theo thói thường, tôi được kiểm chứng điều đó khi mấy tháng trước đây về quê, gặp ông trong một ngày ông rất tỉnh táo, ông có nói vẻ đùa cợt với tôi, một cách hài hài mà lại minh triết. Cháu ạ, ông không còn cố sống làm gì nữa.

– Sao vậy ông?

– Người đàn ông thì phải có vợ, có nhà, có tiền. Giờ ông chẳng có sổ tiết kiệm nào, vợ thì đã mất, nhà cũng không còn.

Sau khi bà mất, chú tôi đưa ông xuống nhà sau ở cùng cô chú để tiện chăm sóc. Nếp nhà trước, vốn làm quán nước, nơi ông bà vẫn sống chăm sóc nhau, đã để cho thuê.  Tôi cười bảo ông, nhà vẫn là nhà ông thôi mà. Nhưng tôi hiểu cảm giác của ông, có lẽ vì tôi là thằng cháu trưởng cho nên ông mới chia sẻ một cách rõ ràng như vậy. Đó là nỗi cô đơn, sự lạc lõng cầm nắm được.

***

Ông Cán là em út của ông nội tôi, chiến sỹ Điện Biên, cầm súng dưới chiến hào từ đầu tới hết chiến dịch mà không chết. Có lần ông Cán bảo tôi. Hồi đó, ông cầm súng dưới chiến hào, ông Hộ thì lái xe trên đèo, ông nội cháu thì ngồi hầm chỉ huy chỗ tường Giáp. Chiến thắng Điện Biên, ba anh em lao đi tìm nhau, cả ba thằng còn sống cả, mừng ơi là mừng.

Ông bảo, ba anh em ông đều theo Đảng đi đánh nhau, mà ông nội cháu và ông Hộ đều đã chết rồi, chỉ có ông sống được đến giờ này để chờ món tiền 60 năm tuổi Đảng. Đảng của ông thật khác với Đảng trên TV, nó là tuổi trẻ cầm súng của các ông.

Nay thì tôi vào bệnh viện huyện thăm ông. Người lính già nằm trên giường bệnh đợi chết, thân hình chỉ còn lại một nắm. Nhìn mặt ông tôi bất giác cau mày thở dài, mặt ông là mặt của một người đã chết, là gương mặt mà người ta thường nhìn thấy khi ngó vào quan tài khi đến các đám tang. Tôi không cố gọi ông, để ông nghỉ ngơi, ông đã không còn thuộc về thế giới này.

***

Rời bệnh viện, tôi đến đặt lễ thắp hương ở khu mộ của dòng họ. Tôi không mê tín theo cái cách thời thượng hiện nay, theo kiểu tin vào sự hiện tồn của người chết, gọi hồn gọi vía hỏi han cầu xin. Chết là hết và nếu có cái gì đó sau cái chết, thì các cụ cũng không rảnh mà cứ chạy theo phù hộ hướng dẫn cho bọn con cháu vốn đầu toàn cơm áo, người chết quan tâm gì mấy cái chuyện lẻ tẻ ấy. Thế nhưng tôi vẫn có những cảm giác rất đặc biệt mỗi khi đến khu mộ của dòng họ.

Ở làng quê Việt Nam, theo kiểu Việt Nam, các cụ vẫn tồn tại với con cháu. Ít nhất đứng trước bàn thờ và xung quanh là gần năm chục nấm mộ của các cụ trong dòng họ, tôi cảm thấy mình  vẫn có những gắn bó với rất nhiều người. Khu mộ nay là do ông nội tôi chủ trì đứng ra quy tập các mộ về. Tôi còn nhớ hình ảnh tôi chạy chơi xung quanh, ông nội thì đứng đó chỉ đạo mọi người xây khu mộ. Tôi cũng còn nhớ cái cách ông nội cầm cái đầu lâu của cụ tôi (tức mẹ của ông) giơ lên cho tôi xem, đen sì, còn ông nhe răng cười. Tôi cũng nhớ cái đầu lâu của ông, một cái đầu lâu có bộ răng giả bên trong.

Tôi cũng nhớ chú Thảo tôi, người chú xấu số mất sớm, người cao lớn đẹp trai nhất họ, năm xưa khi tôi đang tắm thì chú bước vào tắm cùng, tôi hỏi chú là, chú là bộ đội biên phòng thế chú có biết bắn súng không. Chú bảo, chú có thể bắn trúng một con ruồi đang bay. Tuổi thơ của tôi, và bây giờ nữa, tôi vẫn tin là chú Thảo có thể bắn trúng một con ruồi đang bay. Tôi cũng nhớ bà Ngấn, vợ của ông Cán – người sắp chết, khi tôi từ Nga về thăm ông bà, bà cầm tay tôi khóc mà nói “chú Thảo con mất rồi con ơi, nhà ông bà như cái cây bị đốn mất gốc rồi”. Tôi cũng nhớ bà Ngấn năm ngoái bảo tôi, ông mày sợ không qua được năm nay đâu, thế mà bà lại đi trước. Tôi cũng nhớ ông Hộ, em thứ hai của ông nội, và vợ ông là bà Chuôi, khi tôi còn bé đến chơi nhà thường cho tôi ăn một cái quẩy rất to. Tôi biết và nhớ nhiều người trong số họ.

Có một người rất đặc biệt, là cụ Chè. Cụ Chè chỉ nói chuyện với tôi một lần duy nhất. Năm đó tôi về quê, ăn giỗ xong xuôi, tối đến cụ Chè gọi tôi bảo đi dạo cùng cụ. Cụ dẫn tôi lên cầu Diêm Điền, rồi cụ bảo tôi, cháu có biết cụ dẫn cháu ra đây làm gì không. Tôi bảo không. Cụ nói, chỉ là để sau này mỗi khi về quê, nhìn đến cây cầu này, cháu sẽ nhớ là từng có một người là cụ Chè đã dẫn cháu ra đây chơi. Cụ mất sau đó mấy năm. Cả một đời người đôi khi chỉ là một câu nói.

Thế đấy, dòng họ thì đông, các ông các chú các cô các bà rất nhiều, nhớ không xuể, nhưng một lời nói của cụ Chè như thế khiến tôi không bao giờ quên cụ. Tôi chỉ nhớ và biết về cụ mỗi một câu như thế, thế vẫn là biết và nhớ đến.

Thế nên mỗi khi về quê, tới phần mộ của dòng họ, tôi có cảm giác rất gần gũi. Họ đã chết rồi nhưng họ vẫn sống theo cách như vậy. Khi thắp hương thì tôi tưởng nhớ đến họ và bỗng thấy rất an lòng, nước chảy mây trôi, đời này cứ sống như mình muốn, có đéo gì mà phải lăn tăn sợ hãi.

Lần này về thắp hương, tôi khấn các cụ rằng, ông Cán chắc sắp đi rồi, mong tổ tiên các cụ các ông các bà đón ông Cán về an nghỉ.

***

Từ khu mộ đi, tôi về thăm nhà ông Đề, một người em họ rất gần của ông nội tôi. Người mà sau khi ông nội tôi mất vẫn đứng ra giúp bố tôi lo liệu việc hương hỏa cúng giỗ các cụ. Vào, leo lên gác thắp hương xong đi xuống, hóa ra trong nhà có trẻ con. Một đứa trẻ mới sinh ra, là con thứ hai của chú Sơn tôi. Chú thím đều đang có việc đi đâu đó không ở nhà, có đứa bé ba tháng tuổi ở với ông bà. Tôi vào ngó đứa bé, cười bảo, xin chào ông em mới. Thằng bé rất xinh. Một đứa bé ra đời và một người già sắp mất đi. Đời sống vẫn cuộn chảy.

Rồi tôi đi về. Tôi đi theo đường cống Trà Linh. Đường về quê nửa chặng thì chia làm đôi, tôi đi theo ngả cống Trà Linh dù mặt đường xấu hơn nhưng cảnh thì đẹp. Cảnh làng quê bắc bộ vẫn còn. Thảng hoặc có mái nhà thờ nổi lên trên lúp xúp ngôi làng mái ngói xen lẫn mái bằng. Cách vài quanh đường lại có một cái miếu hoang nép mình bên cây gạo. Dòng sông Diêm Hộ uốn quanh mặt nước lấp loáng dưới ánh trời chiều.

Tôi là con của những người nông dân. Những người nông dân ven biển, làm ruộng, làm muối, đi biển, cầm súng, lái xe, lái máy bay, dạy học, rồi thì đi làm đường, làm máy tính, lái taxi…

Trở về nhà, tôi chất sau thùng xe một đống bắp cải, và một chai nước mắm. Nước mắm do thím tôi tự làm, rất ngon. Nước mắm ở quê tôi, đừng có để nửa giọt giây ra quần áo.

Written by Tequila

January 22, 2014 at 2:39 am

Posted in Linh tinh

2 Responses

Subscribe to comments with RSS.

  1. Bai viet rat hay va dep. Chu’c gia di`nh Ban do’n Tet that vui va mot nam moi bi`nh an nhe’ !!

    Ngoc Dang

    January 26, 2014 at 10:09 pm

  2. Reblogged this on Mèo ngó mây :3.

    Mếu

    January 26, 2014 at 10:38 pm


Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.