Teq's Blog

Trên đường 13/1/2014

with 6 comments

Suốt từ hồi tháng 6 tới giờ, chúng tôi mới quay lại Sapa. Năm 2013 đã qua một cách quá vất vả, tiền bạc thời gian và sức lực đều không đủ cho những chuyến đi, nên không đi được dù nhớ, đến cả thằng con cũng nhớ mà nhắc suốt. Lần này có chút việc, chúng tôi lại đi. Lại một chuyến đi ngắn ngủi, chóng vánh vào cuối tuần. Chúng tôi xuất phát lúc 9h tối Thứ sáu, tới 12h thì tới Yên Bái để ăn đêm, rồi thuê khách sạn ngủ, sáng ra lại đi, đường đông nhiều xe công xe tải bò chậm chạp, chiều thứ Bảy mới vào tới bản, trưa Chủ nhật lại đi, quá nửa thời gian là trên đường và chỉ được ở nhà mình có chưa đầy 24 tiếng.

***

Vào tới nơi chả gặp tay đàn ông nào. Chỉ có Quở chạy xe ra giúp chúng tôi chở đồ, mặt bư bư nửa trắng nửa đỏ vì rượu và buồn bã, hắn luôn già đi một bậc sau cứ mỗi ba tháng, mà năm nay hắn mới hình như 25 – 27 tuổi, nhếch nhác khác hẳn vẻ khỏe mạnh trẻ trung đôi ba năm trước. Anh Chư và các anh em của anh một nửa đi làm ở trên rừng, nửa ở nhà thì đã say khướt.

Lên nhà, khung cảnh tiêu điều rầu rĩ. Mùa này lúa đã gặt hết trơ ra nền đất nâu ảm đạm, trời âm u khiến cây cối như bớt xanh. Mảnh đất nhà tôi trơ khấc, anh Chư đã thu hết cây trồng và chưa sang xuân nên chưa trồng cây mới. Hàng rào sặt lần trước mất nửa ngày để làm, nay chỉ còn sót lại một ít, không biết ai phá đi đâu. Chỉ có nền sân bằng gạch mà vợ chồng tôi cùng bọn trẻ con làm, là còn nguyên vẹn.

Lũ trẻ trong bản thấy chúng tôi, bèn ùa tới. Chúng chạy qua vượt trước chúng tôi, lao tới cửa nhà, thò những đôi tay nhỏ bé qua khe cửa, nạy nạy cái then cài, mở cửa không đợi hỏi. Rồi chúng vác ghế ra, ngồi xếp hàng thành một dãy vòng cung trong nhà, đợi chia kẹo. Vợ tôi đưa kẹo bánh cho đứa lớn nhất, bảo nó chia cho các đứa khác. Lũ trẻ ngồi ngoan ngoãn nhận kẹo, không tranh cũng không đòi, rồi chúng òa ra chạy khắp nhà khắp sân, hò hét òm tỏi. Vợ tôi dọn dẹp những tấm chăn màn cáu bẩn để lại từ những tháng trước, dù khi chúng tôi vắng mặt cũng có em và một hai người khách lên, nhưng đã lâu ngày không sử dụng treo ở góc nhà ẩm thấp, chúng bốc mùi hôi mốc và loang lổ nấm rêu. Đằng sau nhà, nơi đường ống nước dẫn qua, nhoe nhoét nước, cứt lợn rải rác cùng đôi ba bãi cứt trâu to đùng, hôi hám.

Bà già nhà anh Chư đã khỏe lại. Hồi tháng 6 chúng tôi lên, bà ốm ngồi bên bếp lửa rên hừ hừ, kiệt quệ. Chúng tôi đưa bà ra bệnh viện Sapa, làm thủ tục nhập viện, bác sỹ bảo bà chỉ bị suy nhược thôi, nhưng cứ để vậy không đi viện là vài ngày sẽ kiệt lực mà chết. Thật may bà già đã khỏe lại. Dù sao, chúng tôi lên, vẫn có bà già, có vợ anh Chư, và con bé May con dâu anh, niềm nở đón. Bà già lọ mọ vác từ dưới nhà lên hai ba cây củi, mang vào cho chúng tôi.

Vợ tôi bảo bọn trẻ giúp nhóm lửa, khói bắt đầu đùn ra, tràn trong nhà lan ra ngoài sân. Tôi bắc ghế ngồi dựa cửa. Khung cảnh tiêu điều khiến tôi thấy buồn lòng. Tôi hút xong điếu thuốc rồi vào hỏi vợ “em có còn muốn ở đây nữa không?” “Sao anh hỏi thế?” “Thì hỏi vậy thôi”. Vợ tôi không hỏi nữa. Nàng ta vào nhà quét dọn, kêu tôi phụ giúp một số việc, rồi bắc bếp bắt đầu làm bữa cơm chiều cho chúng tôi và cho cả bọn trẻ con lốc nhốc.

Vợ tôi đã nổi lửa ở trong nhà. Khói lan tỏa ra trong nhà ngoài sân, khiến cho mùi sương chiều lạnh lẽo và mùi cứt lợn hôi nồng trở nên dễ chịu. Mấy con chó lượn qua lượn lại, hai con dê kêu ẹ ẹ đi dạo ngoài sân, mấy đứa trẻ lớn chạy qua chạy lại gọi chú Đức chú Đức… Tôi bình tâm trở lại. Đéo gì, nửa năm không quay lại, công việc văn phòng lại khiến tôi so sánh ngôi nhà trong thung lũng khói xanh của tôi với resort à?! Lỗi tại tôi chứ đâu phải lỗi tại mùa đông ở cái góc bản vừa qua đợt tuyết.

***

Chuyến này đi cùng tôi còn có hai anh bạn của vợ. Bạn mới quen, đúng ra là khách hàng, khách hàng ăn bún đậu. (Vợ tôi tận dụng cái sân vỉa hè ở minimart để mở quán bún đậu giả cầy, món ăn rất ngon, nhưng khách lúc thưa lúc vắng, gọi là bày ra xem kiếm thêm thu nhập bù chi phí. Năm 2013 này công ty của vợ khó khăn, tập yoga hít khí trời để tồn tại qua ngày. Nàng cất những bộ váy áo công sở lên giá quần áo, lấy ra những chiếc quần bò, quần kaki thời chúng tôi lang thang với nhau bằng xe máy, mặc vào và bán siêu thị bán bún đậu). Có anh khách hàng thân quen hay ăn bún đậu, công ty anh đóng ở gần đó, anh là một doanh nhân thành đạt sau khi làm thuê chán vạn cho các công ty nước ngoài, một con nghiện môn Aikido. Anh gọi vợ tôi là “cô bún đậu”. Vợ tôi kể với anh về Sapa, anh xin đi theo chúng tôi chuyến này, và kéo theo một anh nữa là em họ của anh, cũng là dân đã từng dành cả tuổi trẻ của mình để lang thang ở Pháp và châu Âu, con nghiện môn khí công. Trên đường vào bản, các anh ngồi ở thùng sau con pick-up của tôi, khoái trá ngắm núi trong sương mù và gặm ngô, cười phớn phở, chả buồn để ý tôi cua ra sao trên mấy khúc dốc gấp ngoặt chênh vênh mà đường vừa bánh xe.

Anh Aikido khoan khoái sau khi vớ được bi thuốc lào. Anh khí công thì chạy qua chạy lại chụp ảnh dê chó, chụp bọn trẻ con bẩn thỉu, và những cành hoa đào đang trổ hoa mà chắc là Chư vác ở đâu về dựng bên rào sặt. Vợ tôi sai tôi dẫn hai anh đi dạo, lên Đầu Dù. Ok, đi, bọn trẻ con tung tăng chạy theo, đứa trước đứa sau, đứa nào cũng chỉ một manh áo mỏng bẩn thỉu. Anh Aikido tính tình hồn nhiên như trẻ con, anh sờ vai sờ bụng mấy đứa trẻ, khen chúng người nóng ấm, công lực rất cao.

Tôi đưa các anh đi về phía Đầu Dù, sương ngày càng dâng dày lên. Cảnh đẹp làm các anh phấn khích, chụp ảnh tự sướng lung tung. Tôi thì chỉ lấy làm tiếc vì các anh đi lên đấy đúng ngày mùa đông u ám, ruộng bậc thang trơ khấc, khung cảnh tiêu điều. Những người đàn ông đàn bà đi ngược chiều chúng tôi, họ gánh những gánh củi trên vai, trên đường về nhà. Ai cũng chào tôi, dù có người tôi không quen hoặc không nhớ ra họ. Con bé Vang đi cùng một người đàn bà, gùi củi trên vai, nó mặc một cái áo vest công sở rất sạch sẽ, chắc có đoàn nào lên đây cho (bây giờ ở đây người ta đã mặc áo cũ của người Kinh lên cho), trông không được hợp lắm, nhưng cách mấy tháng trông nó lớn hẳn lên. “Cháu chào chú Đức” “Chào cháu” “Chú đi chơi à” “Ừ, con bố Minh dạo này xinh thế!” Con bé xấu hổ đỏ mặt cúi gầm rồi đi, trông thế này là nó qua xuân sẽ lấy chồng thôi. Mà tôi cũng chẳng biết nó là con Vang hay nó là con em sinh đôi của con Vang nữa. Rồi lại có một thằng thò dầu ra từ sau mông con trâu, leo lên vách đồi, “chào anh Đức!”. Tôi chả nhớ tên nó là gì, dù quen mặt, mặt thằng này nhìn như trong phim Thủy Hử, nhìn phát nhớ luôn không quên được. “Ờ, xin chào, đi đâu mà cầm súng thế”. Nó gác cây súng kíp dài ngoằng qua vai bên kia, “ờ, mình đi rừng về”.

Cứ thế, tôi dẫn anh Aikido và anh Khí công tới cầu treo, và leo ngược núi lên xóm Đầu Dù. Trời xẩm tối, anh Khí công có vẻ chán, nhưng anh Aikido vẫn hăm hở vì bị cuốn theo bọn trẻ con. Lên tới Đầu Dù, mấy đứa con trai leo tuốt lên cây, hái cái hoa gì rất đẹp cánh trắng nhị vàng, xuống đưa bọn con gái, và không quên tặng hoa cả anh Aikido, anh rất thích thú. Trong lúc anh Aikido và anh Khí công ngắm hoa chụp ảnh hoa, thì tôi đi thêm tới ngôi nhà gần nhất, có anh H’mong mặc áo cổ truyền đang ngồi đó. Tôi mời anh điếu thuốc. Anh này lạ, anh hỏi mình là ai? Tôi bảo, em là Đức, bạn anh Chư, vẫn dựng nhà cạnh nhà anh Chư đó. À, mình biết rồi, nhà đó là nhà của em mình đó, nó không ở đây nữa nên bán cho nhà Chư, bán hai mươi triệu mà, phải không. Vâng, em mua về dựng đấy, hôm nào qua em uống rượu. Ờ.

Xâm xẩm tối, tôi lại dẫn hai anh đi về. Về tới nhà là trời bắt đầu tối mịt. Món thịt nướng kiểu Hàn xẻng của vợ cần bếp gaz chứ củi ướt đốt không đượm, mà bình gaz du lịch đã hết. Tôi phải ra Sapa mua mấy bình mới. Sương xuống đặc, chạy xe tầm nhìn 3m, nhưng tôi thuộc từng mét đường rồi, nhìn công tơ mét thấy có lúc mình chạy tới 40km/h trên con đường quanh co rộng vừa bánh xe, bèn hãi hãi hãm lại, bò bò. Tới gần Sapa thì dở hơi đâm vào đường mới mở, bị lạc đường đâm nhầm vào chỗ rẽ cụt, lại lọ mọ lùi ra, cứ lùi vài mét lại mở cửa xe chạy ra sau ngó, vì đèn hậu không phá nổi sương chả nhìn thấy gì. Gần tiếng mới cầm theo bình gaz quay lại được nhà.

Vợ tôi đã chuẩn bị xong món thịt nướng, trẻ con được nhai phồng tôm và sau đó được cho một đĩa thịt to để ăn. Chúng yên lặng chờ đợi, nghe lệnh mới ăn, có lệnh là nhao vào, không hề tranh nhau một tiếng nhưng đĩa thịt hết trong khoảnh khắc. Anh Chư mò lên, anh vẫn còn say rượu, chả nói được câu nào, mặt mũi đờ đẫn. Ông anh Chư oai phong hoành tráng của tôi sau năm tháng ngắn ngủi thôi mà giờ đã ra vầy rồi.

Ba năm trước, các anh còn uống Sán Lùng tự nấu hoặc đi mua ở chợ Sapa. Mấy năm nay, quán nước mở ở đầu bản, bán rượu đéo gì mà 14 nghìn một lít, rẻ hơn cả Lavie. Rượu ấy uống không tèo mới lạ. Rượu rẻ nên các anh uống suốt ngày, ngày nào cũng uống. Hết trông đợi được ở thế hệ anh Chư mất thôi. Thằng Xu, thằng đẹp giai như Hàn Quốc, sang, cầm theo chai rượu nhà nó nấu. Uống vào nặng vãi chưởng. Một tí là nó đi có việc. Rượu thừa hắt vào đống lửa cháy đùng đùng. Bất đồ thằng con giai 4 tuổi rưỡi của tôi thấy hay cầm cả chai rượu hắt vào bếp lửa, lửa bùng lên, tôi hét lên giật lấy chai rượu, may sao, vẫn là rượu chứ không phải cồn nên tốc độ lan lửa thấp, tôi kịp giật ra trước khi lửa leo lên đến tay con. Thôi thì coi như nó học được một bài mời.

Hai anh Aikido và Khí công xem ra không thể ở được như bọn tôi. Tôi khuyên các anh về Sapa kiếm khách sạn. Nhưng mà xe tôi gửi ở trường học, giờ tối này (mới 9h kể như khuya lắm), cô giáo đã đi ngủ rồi không tiện lấy chìa khóa cổng để đánh xe ra nữa. Con giai anh Chư bị ốm hình như cũng ngủ sớm rồi, mà xe lởm cũng không dám cân ba đi. Các anh quyết định đi bộ 5km để ra Sapa. Anh Aikido động viên anh Khí công, cuối cùng anh Khí công cũng bằng lòng đi bộ. Các anh đi hơn một tiếng trong đêm mới ra tới Sapa để thuê khách sạn, gọi điện cho tôi báo tình hình. Vợ con đã lên giường đi ngủ, chăn điện mang lên không đủ nóng vì điện quá yếu, nhưng trời may cũng không lạnh lắm. Tôi ngồi bên bếp lửa, đọc sách, mà chữ chẳng vào đầu. Tôi cứ bị hút vào cái ngọn lửa, củi khá ướt nên phải liên tay chăm thì lửa mới giữ được, cứ thế cứ thế cả hai tiếng tôi chỉ ngồi chăm ngọn lửa. Đầu nghĩ lung tung, vợ con thì ôm nhau ngủ ở góc nhà, tôi ngồi chăm ngọn lửa, uống nhấm nhấm ít rượu khê nồng, hút thuốc, nghe tiếng gió ù ù ngoài trời trộn lẫn tiếng chó sủa đổng trong đêm. Một hai lần tôi bò ra ngoài, ra cửa sau, tè vào khóm tre, trời không trăng không sao tối đen như mực, gió trên rừng thổi về lạnh ngắt. Mà tôi không thấy hãi, trong nhà vợ con đang ngủ, lại có bếp lửa, mình đi tè ngoài này giữa núi rừng, chẳng phải là hoành tráng sao. Cuộc sống thật không hoành chẳng leng keng như trong tưởng tượng, nhưng mà nó thật, và tôi càng ngày càng giống một thằng H’mong ở góc núi này.

***

Sáng Chủ nhật trời nắng đẹp. Vợ đã dậy từ sớm chăm sóc thằng con và cho nó ăn, tôi thì ngủ nướng, lấy cớ là đêm qua khó ngủ. Rồi tôi cũng dậy, tôi phải đi gặp chủ tịch xã.

Tuần sau chúng tôi sẽ đưa một đám lên đây, để xem dân H’mong làm nhuộm chàm, thổ cẩm và vẽ sáp. Tôi sẽ phải báo cho xã biết, để họ không vì lý do gì đó mà cản trở. Vợ bảo, hay thôi kệ, coi như là dẫn dân du lịch thông thường, anh báo với xã nhỡ xã gây khó dễ thì sao. Tôi bảo, ờ , em nói đúng, nhưng mình còn ở đây lâu dài, qua mặt xã là không nên, mình phải báo họ.

Tôi lại chạy xe ra Sapa, nửa đường thấy anh Aikido và anh Khí công đang thuê xe ôm cân ba đi vào. Tôi thò đầu ra bảo, các anh vào trước đi, em đi có việc tí. Tôi chạy vào Sapa, vào siêu thị mua chai Putinka, rồi vòng về vào nhà Vàng A Nủ chủ tịch xã. Tới nhà chỉ thấy vắng ngắt, có hai đứa trẻ đang chơi. “Bố Nủ đâu” “Bố say chưa dậy” “Gọi bố đi” “Bố không dậy đâu.”

Tôi lục trong xe ra cây bút tờ giấy, viết cho Nủ bức thư, lời lẽ như công văn, xong bèn cầm chai rượu và tờ thư bảo trẻ con dẫn vào trong nhà, định bụng đặt lên chỗ TV gửi lại cho Nủ. Bước qua cửa thấy trẻ con nói chí choét tiếng H’mong, tiếng Nủ em hèm ngoài sân.

Vàng A Nủ, chủ tịch xã, bằng tuổi tôi hoặc hơn kém một tuổi, đang ngồi sân sau. Chàng cởi trần, mặc độc chiếc quần cộc, đang cạo râu. Chàng là người H’mong mà cao lớn dềnh dàng, đẹp trai nhất trong số H’mong mà tôi biết. Thật sự là chàng rất đẹp, người Kinh ít thằng nào bì kịp. “Chào anh Nủ” “A! Chào anh Đức!”

Tôi cầm chai Putinka ngồi xuống bên cạnh Nủ, anh vẫn đang ở trần cạo râu, một vết sẹo to chạy từ cạp quần lên tới rốn. Tôi bảo, sắp Tết rồi nên đến nhà thì mình biếu Nủ chai rượu. Thôi, quà gì anh cầm đi đi. Có gì đâu, chai rượu ấy mà. Nủ kết thúc cữ cạo râu, đứng dậy, thuận tay cầm chai rượu, nghĩ thế nào thấy không phải lại bỏ ra đứng dậy vào thay quần áo. Nủ vào nhà mặc áo, tôi bảo thằng con Nủ, cầm chai rượu để lên bàn trong nhà cho bố, chỗ Tivi ấy, thằng bé làm theo.

Nủ ra ngồi cạnh tôi, tôi mời Nủ điếu thuốc. “Thuốc gì lạ thế nhỉ?” “Craven A, trong miền nam hay hút” “Thế à, thế anh định bảo em việc gì”. “Tuần sau, mình dẫn một đội vào bản, chỉ là tham quan thôi, qua xin phép Nủ trước, nếu cần mình sẽ làm cái công văn. Mình tưởng Nủ không có nhà nên viết thư, Nủ cứ đọc đi nội dung ở đấy cả”. Nủ cầm tờ giấy đọc, đoạn chàng bỏ tờ giấy xuống ghế “thôi anh cứ làm đi, chẳng phải xin phép gì đâu, em ủng hộ”. Trao đổi thêm hai câu cho phải phép rồi tôi chào về. Nủ không tiễn, nói “anh Đức đi đi, có gì cần báo em”. Tôi cười chào rồi đi. Tôi biết Nủ là người tốt, một người H’mong đẹp và tốt như vậy, nhưng mà lại làm công quyền, làm chủ tịch xã, tốt phạm vi tới chừng nào trong những hoàn cảnh nào thì phải nghiên cứu. Phải có lúc nào uống rượu với Nủ, xem Nủ nghĩ gì. Nủ là thủ lĩnh H’mong hay Nủ đơn giản là chủ tịch xã, hai thứ ấy nó khác nhau.

***

Tôi trở vào bản, vợ tôi đang dẫn anh Aikido anh Khí công, con trai và lũ trẻ xuống suối, rồi leo ngược suối để lại đi lên Đầu Dù. Tôi chạy con xe Wave tàu ghẻ của anh Chư, phóng trên triền núi theo con lối mòn cheo leo lổng khổng đá hộc, đuổi theo, rồi gặp mọi người ở cầu treo. Lại leo dốc đá lên Đầu Dù. Con bé Vang cõng thằng con trai tôi bởi nó chưa đủ sức mà leo núi, nó đi hơn một cây số đường lên xuống vậy là giỏi rồi, bảo nó leo đường núi đá thì quá sức.

Lên Đầu Dù, vào nhà anh Dinh, anh Dinh có nhà, thấy khách đến lấy khoai sọ ra luộc. Tôi ngồi với ông anh Aikido ngoài sân, trên những thanh củi, tôi bảo anh: Năm trước em đến đây, bà cụ già nhà Dinh đang ngồi, hỏi cụ bao nhiêu, Dinh bảo cụ 90, cụ phản đối bảo, tao phải hơn trăm rồi. Anh thấy đấy, cứ sống ở đây, sáng mặt trời lên chiều mặt trời lặn, xuân hoa đào nở mà đông thì giá buốt về, giữa sân lúc nào cũng có một con lợn nái nằm kềnh cang, 90 hay hơn trăm đâu khác gì nhau. Anh Aikido cười đồng tình.

Đang ngồi thì thằng Nhà đi tới, nó từ núi về, khoác gùi củi, tay cầm con quắm sắc lẹm. Tôi hỏi, hôm qua Xu bảo Nhà đi Fansipan, về không mệt à mà hôm nay còn đi làm. Nhà bảo, ngày nào cũng phải đi làm chứ. Nói đoạn bèn cùng tôi vào nhà Dinh làm chén rượu. Lại là rượu 14k/lít, thứ mà tôi nghĩ vài năm nữa thôi sẽ phá hỏng phân nửa đàn ông ở đây, tôi chỉ nhấp môi. Nhấp thì cũng phải hai chén, rồi xin phép về, hẹn Tết lên, trước khi về dặn nhà là tí nữa qua nhà tôi uống rượu.

Đội chúng tôi lại leo xuống núi đi về nhà, lại bày món ra ăn. Chư đã tỉnh rượu, thịt con gà, cộng với thịt anh Aikido mua từ sáng ở chợ Sapa, được một bữa to. Đàn ông trong bản lại kéo vào. Nhưng chỉ có bọn trai tráng là linh hoạt, các bạn các anh tôi là anh Chư anh Minh đều mặt mày đờ đẫn, các bố uống rượu 14k/lít quá nhiều rồi. Buồn phết chứ không phải không. Tôi chỉ uống bia.

Thằng Nhà về tới, vào uống rượu cùng. Nó đã học xong môn khèn, giờ nó là thầy khèn, nó đã thuộc hơn ba trăm bài khèn, đủ giai điệu khèn H’mong. Tôi đòi nó thổi khèn, nó sai trẻ con về nhà lấy khèn ra. Thổi một bản, khèn quá hay, khèn hay và chỉ hay khi nghe trên núi. Vợ tôi bảo Nhà ôm khèn mà múa một bản đi. Nhà bảo, chỉ khi có người chết thì mới múa khèn trong nhà, giờ nếu muốn phải ra sân. Anh Aikido thích, bảo Nhà ra sân.

Nhà đứng giữa sân, đi bài khèn như đi một bài quyền. Ban đầu thì đứng yên thổi, sau đó thì thì bắt đầu nhảy chậm rãi mềm mãi theo tiếng khèn, nhảy chiều đi rồi nhảy chiều ngược lại, cũng chậm rãi như thế, rồi lại đứng yên thổi kết thúc bài khèn. Anh Aikido nghe xong, tiến tới bắt tay rồi xin phép ôm Nhà. Nhà cũng ôm anh cười, rồi đi vào trong. Anh Aikido bảo tôi, thằng này là cao thủ, vừa thổi vừa múa, vừa vững như bàn thạch lại mềm như lụa thế, lại thổi không đứt hơi, chú không biết chứ phải nội lực rất cao mới làm được thế, anh cực kỳ khâm phục. Anh Khí công cất smartphone vào túi, sau màn quay phim Nhà thổi khèn, cười đồng tình.

***

Rồi lại vào ăn tiếp, rồi kết thúc.

Hơn 3h chiều thì chúng tôi lên đường, lại về Yên Bái ăn tối. 12h 30 thì về tới Hà Nội. Hà Nội đêm mùa đống vắng hoe và yên tĩnh lãng mạn ánh đèn đường. Xe tôi sau chặng đường dài đi lên đi về, đã phủ đầy lớp bụi nâu. Anh Aikido nói, giờ thì anh đã hiểu tại sao bọn em lại dựng nhà ở trên bản.

Chúng tôi chở các anh về đến nhà các anh, rồi chia tay, chúng tôi đi về. Lục tục khuân đồ lên nhà, đi ngủ, vợ con đã quá mệt mỏi sau chặng đường dài. Tôi lại mở một chai bia, rồi chai nữa, để nghỉ ngơi thoải mái sau chuyến đi. Tôi cứ thư giãn và đờ đờ uống hết hai chai bia. Nghe tí nhạc. Rồi rất rất khuya bèn vào phòng. Vợ nằm giữa hai đứa con mỗi đứa một bên. Tôi dẹp thằng bé vào một chút, rồi nằm xuống cạnh nó ở rìa giường, cố thu xếp để có thể nằm thẳng. Rồi thằng bé cọ quậy, tin cậy rúc vào nách tôi, quàng tay qua bụng tôi. Tôi cười hạnh phúc rồi lềnh bềnh trôi vào giấc ngủ, tay như vẫn cầm vô lăng quanh qua những khúc ngoặt trên chặng đường về.

Rồi sáng nay Thứ hai tỉnh dậy tôi đánh con xe phủ đầy đất của mình đi làm, tôi mặc một bộ complet và một cái áo khoác dạ. Trông tôi đàng hoàng và khá bờ rồ. Trong ngày tôi viết một đống email và ký một đống giấy tờ, trong đó có cả kế hoạch 2014 của tôi ở cơ quan. Tới chiều tôi lái xe về nhà, đưa vào bãi rửa xe, ngồi đợi cho người ta rửa sạch bụi đất cho nó. Rồi tôi lên nhà ăn cơm. Rồi cùng vợ xuống minimart làm những việc như mọi ngày chúng tôi phải làm, kết thúc ngày làm việc lúc 22h.

Rồi tôi ra ngồi đây, viết entry này. Tôi thấy mình ở trong bản, ngồi trước thềm ngôi nhà huếch hoác nghèo nàn, khung cảnh tiêu điều, gà chó, cứt lợn cứt dê, tôi giống là tôi hơn.

***

Trước khi rời bản ra về, thằng con tôi đang mải chơi với bạn trong nhà, nó không chịu về, nó nói nguyên văn là “con muốn ở đây mãi mãi”. Nó học từ “mãi mãi” ở đâu ra? Tôi phải dỗ dành nó, bụng nghĩ mày mới có 4 tuổi mày biết gì là mãi mãi. Và nó chỉ đồng tình theo tôi đi về, khi tôi đã động viên nó đi xin được một cái nỏ để mang về. Cái nỏ đồ chơi trẻ con, bị mất mất cánh nỏ, chỉ là một thanh gỗ đẽo hình giống khẩu shotgun.

Tôi dẫn thằng bé ra chỗ thằng bé H’mong, bảo nó nói “cho em xin”. Thằng bé H’mong cho nó cái nỏ đồ chơi đã hỏng, không có cánh nỏ. Thằng con tôi sung sướng ôm lấy cái nỏ đồ chơi ấy, tôi cũng thấy vui lây. Thôi thì cuộc sống sẽ cứ diễn ra theo cách mà nó diễn ra.

Written by Tequila

January 14, 2014 at 2:26 am

6 Responses

Subscribe to comments with RSS.

  1. Entry này hay quá bác Teq ơi!

    Tris

    January 14, 2014 at 1:11 pm

  2. Em đọc bài viết của anh cũng lâu lắm rồi. Tết này có dịp lên Sapa, em xin phép lên thăm cái nhà trên bản của anh và cả cái bản H’mong chứa chấp một lão người Kinh như anh 🙂
    Anh cho em thông tin và hướng dẫn qua mail giúp em nhé giangpg@gmail.com
    Cảm ơn anh nhiều!

    Phan Giang

    January 15, 2014 at 11:48 am

  3. “Khung cảnh tiêu điều khiến tôi thấy buồn lòng”…
    Giản dị và chân thật. Mà Teq rât may mắn khi có một người vợ biết nổi lửa thay vì than van. Trong khung cảnh hoang lạnh tiêu điều rất cần một ngọn lửa ấm sáng.
    Tớ rất chia sẻ cảm giác của người nhóm lửa, nhất là trong mùa đông buốt giá. Chỉ cần bật lửa lên, nấu một món gì đó thật ngon, ngôi nhà tự nhiên tràn đầy sức sống xua tan đi tối mùa đông trầm cảm. Nên tớ rất hay thay đổi món ăn hàng ngày như một cách vui đời 🙂

    Lea

    January 19, 2014 at 1:40 pm

  4. P.S: cái băn khoăn lớn nhất không phải là “khung cảnh tiêu điều” hay một nếp nhà cần hoàn thiện, mà là văn hóa sống của những người ở đó – chìm đắm trong rượu chè, hủy hoại sức khỏe và tuổi trẻ… Khung cảnh núi rừng, sương mù, heo chó trâu gà…là một bộ phận hoàn toàn khác, tách rời khỏi con người.

    Lea

    January 20, 2014 at 10:13 am

  5. bài viết đơn giản mà khiến cho em muốn lên đường một chuyến!

    Tien

    January 26, 2014 at 1:20 am

  6. những lúc chẳng biết làm gì thì vào nhà bác Teq đọc thấy dễ chịu hẳn

    yeumotnguoi83

    February 11, 2014 at 10:52 am


Leave a reply to Tris Cancel reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.